1.
|
NGHIÊN CỨU KHẢO SÁT ĐẶC TRƯNG CỦA VẬT LIỆU GRAPHENE OXIT CHẾ TẠO BẰNG PHƯƠNG PHÁP ĐIỆN HÓA
- Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 31
- Tác giả: Lê Anh Tuấn
- Từ khóa: Graphene oxit, phương pháp điện hóa, vật liệu 2D, vật liệu nano carbon.
-
Tóm tắt
Graphene oxit (GO) là một vật liệu carbon 2 chiều, được biết đến như một loại vật liệu tương lai với nhiều đặc tính ưu việt. Trong nghiên cứu này, chúng tôi báo cáo một quy trình tổng hợp điện hóa xanh cho chế tạo GO sử dụng điện cực graphit và chất điện ly K2CO3. Các đặc trưng của vật liệu GO được khảo sát sử dụng các phương pháp: phép đo nhiễu xạ tia X (XRD), hiển vi điện tử quét (SEM), phổ hồng ngoại biến đổi Fourier (FTIR), quang phổ Raman và quang phổ hấp thụ tử ngoại khả kiến (UV-vis). Kết quả thu được cho thấy, GO được chế tạo ở điều kiện nồng độ chất điện ly K2CO3 0,08 M, điệp áp 12 V trong thời gian 120 phút ở nhiệt độ phòng cho chất lượng GO tốt nhất. Phổ UV-vis của GO xuất hiện 2 đỉnh hấp thụ đặc trưng ở tại 230 nm đặc trưng cho liên kết C=C và một bờ hấp thụ ở 280-320 nm đặc trưng cho liên kết C=O. Vật liệu GO chế tạo được có số lớp khoảng 5-6 lớp, khoảng cách giữa hai lớp liền kề khoảng 0,82 nm, kích thước tấm GO lên đến vài micromet. Các kết quả thu được cho thấy đây là một giải pháp công nghệ đơn giản, thân thiện với môi trường, chi phí thấp và dễ dàng nâng cấp quy mô sản xuất số lượng lớn.
|
2.
|
NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA TỶ LỆ PHỐI TRỘN VÀ NHIỆT ĐỘ ĐÓNG RẮN TỚI TÍNH CHẤT CỦA KEO POLYURETAN HAI THÀNH PHẦN ỨNG DỤNG TRONG KẾT BAO MÀNG LỌC SỢI RỖNG
- Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 31
- Tác giả: Trung tâm Công nghệ vật liệu, Viện Ứng dụng công nghệ
- Từ khóa: Isocyanat, Polyeuratan, Polyol, kết bao, môđun màng lọc.
-
Tóm tắt
Keo polyuretan (PU) là sản phẩm tạo thành khi trộn Polyisocyanat có chứa nhóm chức NCO với polyol có chứa các nhóm chức OH. Tỷ lệ NCO/OH ảnh hưởng lớn đến các tính chất của keo PU tạo thành. Trong nghiên cứu này, ảnh hưởng của tỷ lệ phối trộn hai thành phần keo đến đặc tính cơ lý của keo đã được khảo sát. Từ đó lựa chọn được tỷ lệ phối trộn thích hợp để sử dụng trong nghiên cứu xây dựng quy trình kết bao và chế tạo đơn nguyên màng lọc sợi rỗng ứng dụng trong xử lý nước thải. Tỷ lệ NCO/OH trong khoảng 0,5 – 3,0 đã được khảo sát trong khoảng nhiệt độ 50 - 80oC. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ NCO/OH và nhiệt độ gia công có ảnh hưởng mạnh đến thời gian gel hoá, đến hàm lượng phần gel, độ bền kéo và độ bám dính của keo PU. Với tỷ lệ NCO/OH là 2,5, gia công trong điều kiện nhiệt độ 60oC, mẫu keo có độ bền kéo và độ bền bám dính lớn nhất, lần lượt đạt 7,73 MPa và 9,51 MPa.
|
3.
|
NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA QUÁ TRÌNH PHÂN HỦY NHIỆT ĐẾN KHẢ NĂNG GIẢI PHÓNG CHẤT HỮU CƠ, NITƠ VÀ PHÔTPHO TỪ BÙN HOẠT TÍNH THẢI BỎ
- Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 31
- Tác giả: Trung tâm Công nghệ vật liệu, Viện Ứng dụng công nghệ
- Từ khóa: Bùn hoạt tính thải bỏ, nhiệt hóa học, giải phóng chất hữu cơ, nitơ, phôtpho.
-
Tóm tắt
Nghiên cứu này đánh giá ảnh hưởng của quá trình phân hủy nhiệt đến khả năng giải phóng chất hữu cơ, nitơ, và phôtpho từ bùn hoạt tính thải bỏ. Ảnh hưởng của các yếu tố nhiệt độ, thời gian phản ứng, pH, và nồng độ bùn hoạt tính đến khả năng giải phóng các thành phần trên được đánh giá thông qua các giá trị nhu cầu ôxy hóa học (COD), tổng nitơ (TN), tổng phôtpho (TP). Kết quả cho thấy ở nhiệt độ 50oC, tốc độ giải phóng chất hữu cơ, nitơ, và phôtpho tương đối thấp. Khi nhiệt độ tăng dần lên đến 60oC, tốc độ này diễn ra rất nhanh trong khoảng 120 phút đầu tiên và giảm dần khi kéo dài thời gian xử lý. Khi xử lý ở cùng nhiệt độ, thời gian, và giá trị pH thì lượng chất được giải phóng lớn hơn khi hàm lượng bùn hoạt tính (MLSS) cao hơn. Thông qua việc thiết lập các thông số công nghệ tối ưu cho quá trình xử lý bùn thải, đã xác định được điều kiện thích hợp để giải phóng chất hữu cơ, nitơ, và phôtpho ra khỏi bùn hoạt tính là: nhiệt độ 60ºC, pH = 10, thời gian xử lý 120 phút. Áp dụng các thông số này vào thực nghiệm, kết quả thu được dịch tách có giá trị COD, TN, TP lần lượt là 1690, 796, 158 mg/L.
|
4.
|
SO SÁNH KẾT QUẢ MÔ PHỎNG VÀ THỰC NGHIỆM ÁP SUẤT MÀNG DẦU CỦA Ổ ĐỠ THỦY ĐỘNG TRONG THIẾT BỊ THÍ NGHIỆM BÔI TRƠN THỦY ĐỘNG
- Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 31
- Tác giả: Trịnh Thị Mai, Phạm Trung Thiên, Nguyễn Ngọc Thể, Đỗ Văn Tỉnh
- Từ khóa: Áp suất màng dầu, ổ thủy động, bôi trơn.
-
Tóm tắt
Bài báo so sánh kết quả mô phỏng và thực nghiệm áp suất màng dầu bôi trơn trong ổ đầu to đỡ thủy động. Mô phỏng bôi trơn áp suất thủy động cho ổ đầu to thanh truyền trên cơ sở giải các phương trình Reynolds, phương trình chiều dày màng dầu, phương trình cân bằng tải kết hợp mô phỏng số bôi trơn cho ổ bằng phương pháp mô hình hoá bài toán áp suất cho màng dầu áp dụng phần tử hữu hạn. Thiết bị thực nghiệm với ổ đỡ thủy động chịu tải tác dụng trực tiếp lên ổ. Áp suất được đo bằng năm cảm biến đặt tại năm vị trí phân bố đều ở vùng áp suất dương và tại tiết diện giữa ổ theo phương chiều dài ổ. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng áp suất màng dầu bôi trơn trong ổ đỡ thủy động tăng lên khi tải tác dụng lên ổ tăng. Khi tải tác dụng lên ổ tăng lên thì áp suất màng dầu tại vị trí chiều dày màng dầu nhỏ nhất đạt giá trị lớn nhất và khi tăăng tốc độ quay thì áp suất màng dầu tại vị trí lớn nhất giảm đi.
|
5.
|
NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA NỒNG ĐỘ Mn LÊN TỪ TÍNH CỦA MÀNG MỎNG ZnO:Mn
- Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 31
- Tác giả: Phạm Thị Liên
- Từ khóa: ZnO:Mn, sắt từ.
-
Tóm tắt
ZnO:Mn là vật liệu mà các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu bởi vì các ứng dụng tiềm năng của nó trong điện tử học spin. Tuy nhiên, nguồn gốc và cơ chế sắt từ của ZnO:Mn vẫn chưa được sáng tỏ. Các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy tính sắt từ phụ thuộc mạnh vào nồng độ pha tạp và điều kiện của công nghệ sản xuất. Hiện tượng sắt từ quan sát thấy ở nhiệt độ phòng không ổn định, ảnh hưởng rõ ràng về nồng độ pha tạp Mn lên từ tính của mẫu ZnO vẫn chưa được xác định. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Các mẫu ZnO:Mn nồng độ từ 5%-15% Mn đều có tính sắt từ ở nhiệt độ phòng. Trong đó mẫu ZnO pha tạp 5% Mn thể hiện tính sắt từ mạnh nhất (lực kháng từ 175 Oe). Bài báo cung cấp thêm bằng chứng về nguồn gốc và cơ chế sắt từ của vật liệu ZnO pha tạp kim loại chuyển tiếp.
|