1.
|
NGHIÊN CỨU CHẾ TẠO TẤM COMPOSITE CHỨA NANO TINH THỂ CH3NH3PbX3 (X = Br, I) TRÊN NỀN NHỰA PMMA ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG CHO LED
- Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 24
- Tác giả: Dương Thị Thanh, Lê Tiến Hà, Dương Thanh Tùng
- Từ khóa: Chấm lượng tử bán dẫn, kích thước hạt, tính chất quang.
-
Tóm tắt
Trong bài báo này, chúng tôi tiến hành chế tạo các hạt nano tinh thể bán dẫn CH3NH3PbBr3 và CH3NH3PbI3 bằng phương pháp tái kết tủa dưới sự hỗ trợ của các phối tử. Chúng phát ánh sáng xanh lục và đỏ, tương ứng, dưới sự kích thích của chip led Blue 450 nm. Các hạt nano chế tạo được có kích thước trong khoảng 5-10 nm xác định thông qua kính hiển vi điện tử truyền qua phân giải cao HRTEM. Bằng phép đo phổ huỳnh quang kích thích, chúng tôi xác định được bước sóng phát xạ của màu xanh lục là 520 nm và của màu đỏ là 640 nm tương ứng với các hạt nano tinh thể CH3NH3PbBr3 và CH3NH3PbI3. Nhựa PMMA cũng được thêm vào để tạo thành tấm composite chứa các hạt nano tinh thể CH3NH3PbX3 (X=Br,I) phát ra các màu xanh lục và đỏ giữ được độ bền và không bị phân hủy theo thời gian. Ưu điểm của chúng còn được thể hiện ở chỗ, khi kết hợp với chip LED màu xanh dương (λ = 455 nm), chúng thể hiện gam màu rộng lên đến 150% so với hệ Blue LED và bột huỳnh quang YAG:Ce thương mại và các chuẩn màu sRGB và NTSC 1987. Kết quả này cho thấy tiềm năng ứng dụng của chúng làm tấm chuyển đổi màu sắc ứng dụng cho LED.
|
2.
|
NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA VẬT LIỆU VÀ KẾT CẤU CỦA LÕI 3D ĐẾN ĐỘ BỀN CƠ HỌC CỦA VẬT LIỆU TỔ HỢP CẤU TRÚC ĐA LỚP SỬ DỤNG SỢI XƠ DỪA
- Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 24
- Tác giả: Tưởng Thị Nguyệt Ánh, Đặng Thảo Yến Linh, Trần Hùng Thuận, Chu Xuân Quang, Thái Thị Xuân Trang
- Từ khóa: Vật liệu đa lớp, cấu trúc 3D, vật liệu polyme compozit, prepreg, công nghệ túi hút chân không.
-
Tóm tắt
Trong nghiên cứu này, vật liệu tổ hợp đa lớp cốt sợi xơ dừa sử dụng kết cấu lõi 3D được chế tạo bằng công nghệ prepreg và hút chân không. Loại lõi xốp, độ dày lớp lõi, kết cấu 3D của lớp lõi và độ dày lớp bề mặt, là những yếu tố ảnh hưởng đến tính chất cơ học của vật liệu thành phẩm, đã được đánh giá. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy sử dụng kết cấu lõi 3D đã cải thiện đáng kể độ bền cơ học của vật liệu (độ bền uốn, độ bền kéo trượt), trong đó đặc biệt độ bền kéo trượt tăng từ 1,8 - 3,15 lần so với mẫu vật liệu tổ hợp không có kết cấu lõi 3D. Với cùng mật độ sợi, kiểu sắp xếp sợi tạo kết cấu lõi 3D có ảnh hưởng lớn đến tính chất cơ học của mẫu vật liệu, độ bền trượt và độ bền uốn tăng theo các kiểu sắp xếp: Kiểu dãy liên tục (CDW) < Kiểu dãy liên tiếp cách đều (CDR) < Kiểu tường luân phiên (CDWA), tuy nhiên độ bền nén hầu như không có sự khác biệt. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng độ dày lớp bề mặt của vật liệu trong khoảng từ 2-3 mm là phù hợp, vừa đảm bảo được đặc tính cơ lý cần thiết cũng như trọng lượng cho vật liệu đối với một số ứng dụng trong dân dụng.
|
3.
|
NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA XỬ LÝ NHIỆT ĐẾN HOẠT TÍNH CHỐNG OXI HÓA VÀ MÀU SẮC CỦA PUREE CÀ RỐT
- Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 24
- Tác giả: Hoàng Quốc Tuấn, Phạm Ngọc Hưng
- Từ khóa: Cà rốt, màu sắc, phenol tổng số, hoạt tính chống oxi hóa.
-
Tóm tắt
Nghiên cứu này được tiến hành để xác định sự ảnh hưởng của nhiệt độ đến hoạt tính chống oxi hóa, hàm lượng nhóm chất có hoạt tính và màu sắc của puree cà rốt khi được gia nhiệt ở nhiệt độ từ 50oC đến 90oC. Hàm lượng ascorbic acid được xác định bằng chất chỉ thị 2.6-diclorophenolindophenol. Phenol tổng số của puree cà rốt được xác định bằng phương pháp Folin-Ciocalteau và hoạt tính chống oxi hóa được xác định bằng phương pháp quét gốc tự do DPPH. Màu sắc của mẫu được xác định bằng thang đo màu Hunter-Lab. Nghiên cứu cho thấy hàm lượng ascorbic acid giảm nhanh theo sự gia tăng nhiệt. Hàm lượng phenonic và hoạt tính chống oix hóa có xu hướng tăng ở khoảng nhiệt độ 50 và 60oC, sau đó giảm khi nhiệt độ tăng. Kết quả đo màu cho thấy, màu sắc của mẫu bị ảnh hưởng mạnh bởi nhiệt độ. Nghiên cứu này cung cấp một số kết quả nghiên cứu có ý nghĩa cho áp dụng quy trình công nghệ, xử lý nhiệt, sản xuất puree cà rốt.
|
4.
|
TỔNG QUAN VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO ĐỘ CHÍNH XÁC CỦA PHÉP ĐO ĐỘ TRÒN TRONG TỌA ĐỘ CỰC
- Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 24
- Tác giả: Nguyễn Hữu Quang, Nguyễn Anh Tuấn, Phan Trọng Đức
- Từ khóa: Đo độ tròn, ba đầu đo, ổ khí quay.
-
Tóm tắt
Độ tròn là một chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá sai số hình dáng hình học của các chi tiết cơ khí dùng trong các lắp ghép có độ chính xác cao như ổ lăn, piston xilanh, bề mặt trụ trơn lắp với ổ lăn, ổ trượt, sống dẫn hướng trụ,... Do đó việc đánh giá sai lệch độ tròn là nhiệm vụ thiết yếu, có ý nghĩa quan trọng trong việc chỉ đạo công nghệ gia công nhằm đảm bảo chất lượng chi tiết, mang lại giá trị kinh tế. Bài báo này trình bày tổng quan về một số giải pháp nhằm nâng cao độ chính xác của phép đo độ tròn trong tọa độ cực bằng cách sử dụng ổ khí quay, ứng dụng khai triển Fourier kết hợp với ba đầu đo để đảm bảo độ ổn định tâm quay, khử bỏ độ dao động tâm bàn quay và độ lệch giữa tâm chi tiết và tâm bàn quay.
|
5.
|
PHƯƠNG PHÁP THIẾT KẾ THIẾT BỊ RUNG CẤP PHÔI SỬ DỤNG PHÂN TÍCH HÌNH THÁI DAO ĐỘNG
- Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 24
- Tác giả: Nguyễn Văn Mùi
- Từ khóa: Thiết bị rung cấp phôi, phân tích hình thái, tần số dao động riêng, phễu cấp phôi.
-
Tóm tắt
Trong công nghiệp hiện nay, thiết bị rung cấp phôi đã được dùng phổ biến để cấp các chi tiết có kích thước và khối lượng nhỏ. Trong phương pháp này rung động của thùng phân loại làm cho phôi di chuyển theo máng dẫn ra ngoài nhờ lực kích rung. Biên độ dao động lớn nhất khi tần số dao động riêng của thùng chứa trùng với tần số dao động của lực kích rung - vùng xảy ra hiện tượng cộng hưởng. Tuy nhiên, với mỗi loại phôi khác nhau thì kết cấu của thùng phân loại khác nhau làm cho cơ chế dao động của nó cũng phức tạp và khó xác định bằng phương pháp toán học và thường được xác định bằng phương pháp thực nghiệm. Bài báo này trình bày một nghiên cứu bằng mô phỏng số với phương pháp phần tử hữu hạn sử dụng phân tích hình thái trên nền tảng Ansys Workbench, để xác định tần số dao động riêng của cơ hệ và xác nhận các thống số thiết kế, chế tạo của hệ thống cấp phôi bằng rung động. Sau đó tiến hành khảo sát thực nghiệp để kiểm chứng. Mô hình mô phỏng này có thể sử dụng để tìm ra thông số tối ưu cho kết cấu thùng cấp phôi trước khi chế tạo thiết bị.
|
6.
|
GIẢI PHÁP THIẾT KẾ HỆ ĐIỀU KHIỂN ROBOT HỖ TRỢ PHÒNG BỆNH SARS-COV-2
- Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 24
- Tác giả: Đặng Văn Hòa, Phạm Trung Thiên, Vũ Hoài Anh, Phan Trọng Đức
- Từ khóa: SARS-CoV-2, camera wifi, thu phát sóng RF, khử khuẩn.
-
Tóm tắt
Bài báo nghiên cứu về giải pháp thiết kế chế tạo robot hỗ trợ phòng chống dịch bệnh SARS-CoV-2. Robot được vận hành giám sát từ phòng điều khiển qua hệ thống camera kết nối không dây bằng công nghệ sóng RF, hình ảnh truyền trực tuyến về phòng điều khiển qua sóng trực tuyến wifi. Người giám sát tại phòng điều khiển sẽ điều khiển robot đến từng phòng bệnh, quan sát đường đi và từng phòng bệnh qua màn hình giám sát, kích hoạt chức năng phun khử khuẩn (dung dịch sát khuẩn nano bạc) từ phòng điều khiển bằng sóng RF. Robot sử dụng mạch điều khiển arduino để điều khiển giám sát toàn bộ hoạt động của robot. Robot giúp các nhân viên y tế hoạt động hỗ trợ người bệnh cách ly hoàn toàn, tránh tiếp xúc trực tiếp và robot có thể đến các khu vực có khả năng lây nhiễm cao khun khử khuẩn hỗ trợ phòng chống dịch bệnh SARS-CoV-2.
|
7.
|
TÍCH HỢP BỘ CẢM BIẾN MỨC DÙNG SÓNG SIÊU ÂM ỨNG DỤNG TRONG HỆ THỐNG ĐIỀU CHỈNH LƯU LƯỢNG BẰNG BƠM LY TÂM
- Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 24
- Tác giả: Lê Văn Anh, Nguyễn Đức Dương, Đinh Thị Hằng
- Từ khóa: Cảm biến siêu âm, vi điều khiển STM32, phương pháp điều chỉnh mô hình nội.
-
Tóm tắt
Các cảm biến mức là thiết bị rất quan trọng, ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp để hiển thị mức chất lỏng, rắn và góp phần vào quá trình điều khiển mức. Bài báo trình bày việc nghiên cứu, xây dựng bộ cảm biến mức dùng sóng siêu âm với tín hiệu đẩu ra dạng chuẩn 4-20 mA. Bộ cảm biến được tích hợp với độ tin cậy và tính linh động cao. Sản phẩm được kiểm nghiệm trên mô hình điều chỉnh mức nước do nhóm nghiên cứu tự lắp đặt. Hệ thống điều khiển mức này hiện đang phục vụ các các hoạt động thực hành, thí nghiệm trong trường đại học. Bộ cảm biến này đang được hoàn thiện để có thể áp dụng trong các nhà máy công nghiệp.
|