Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu

Tạp chí KHCN Số 44

Lượt xem: 569
Nguồn đăng : Ban biên tập tạp chí
DANH MỤC BÀI VIẾT
1. KHẢO SÁT VẬT LIỆU KHÔNG ĐỒNG NHẤT ĐỂ ĐƯA RA THÔNG SỐ CHẾ TẠO NÊM ẢO TRONG QUÁ TRÌNH KIỂM TRA KHUYẾT TẬT MỐI HÀN
  • Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 44
  • Tác giả: Bùi Ánh Hưng
  • Từ khóa: Nêm ảo, chụp ảnh bức xạ, mối hàn, vật đúc.
  • Tóm tắt

    Để đánh giá các mẫu kim loại có bề dày không đồng nhất bằng phương pháp chụp ảnh phóng xạ, chúng ta phải tuân thủ các tiêu chuẩn rất khắt khe. Điều này rất mất công và tốn nhiều chi phí cũng như phải bố trí nhiều phân đoạn thực nghiệm rời rạc. Nêm ảo có giá thành rẻ, dễ chế tạo, có tính cơ động cao và dùng được cho tất cả các loại máy tia X khác nhau, và là một trong những giải pháp kỹ thuật độc đáo có thể giải quyết phần lớn những nhược điểm kỹ thuật nêu trên mà vẫn đảm bảo độ tin cậy trong đánh giá chất lượng sản phẩm. Bài toán đặt ra khi sử dụng nêm ảo để khảo sát các vật liệu có bề dày không đồng nhất đã giải quyết được vấn đề cốt lõi là giảm được sự chênh lệch độ đen của phim từ đó ta có thể dễ dàng đưa ra các giải pháp nêm ảo phù hợp, nêm có thể thay đổi thời gian chiếu xạ tới mẫu, độ cơ động cao hơn. Do đó, kết quả nghiên cứu có thể làm tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu khác.

2. ỨNG DỤNG PHẦN MỀM ANSYS FLUENT VÀ AVL – BOOST ĐỂ TÍNH TOÁN, THIẾT KẾ KÉT THU HỒI NHIỆT KHÍ THẢI ĐỘNG CƠ ĐỂ CHƯNG CẤT NƯỚC NGỌT TỪ NƯỚC BIỂN
  • Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 44
  • Tác giả: Trần Văn Hoàng, Phạm Văn Liệu, Nguyễn Ngọc Sang
  • Từ khóa: Nhiệt khí thải, động cơ, nước biển, nước ngọt.
  • Tóm tắt

    Các tàu đánh bắt cá tại Việt Nam dùng 100% động cơ diesel, tuy nhiên khoảng 35% nhiệt lượng của động cơ đang thải ra môi trường lãng phí. Bài báo này sử dụng phần mềm AVL – Boost và phần mềm Ansys-Fluent để mô phỏng nhiệt lượng thu được từ nhiệt khí thải của động cơ. Từ đó, tính toán thiết kế bộ phận thu nhiệt từ khí thải. Dựa vào thông số nhiệt thu hồi từ khí thải, nhiệt độ khí thải bị giảm và nước đi qua két. Nhóm đưa ra được thông số kết cấu của két thu nhiệt khí thải như sau: Chiều dài thiết bị 1000 mm; độ dày của ống 2,5 mm; kích thước vỏ ống 163/169 mm; kích thước ống trao đổi nhiệt bên trong 137/142 mm; đầu vào và ra của khí thải 60 mm; đầu vào ra của nước biển 34 mm; góc côn 630. Kết quả mô phỏng cho thấy, loại thiết bị thu hồi nhiệt khí thải 18 cánh có ưu điểm và được sử dụng để làm thực nghiệm cho hệ thống chưng cất.

3. NGHIÊN CỨU THIẾT KẾ BỘ ĐIỀU KHIỂN MỚI CHO ROBOT ALMEGA8 PHỤC VỤ ĐÀO TẠO
  • Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 44
  • Tác giả: Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Thị Khánh Huyền
  • Từ khóa: Robot, bộ điều khiển, động học robot, PLC S7–1200.
  • Tóm tắt

    Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu thiết kế bộ điều khiển mới cho robot ALMEGA8 sáu bậc tự do đã không còn hoạt động. Hệ thống điều khiển của robot sử dụng màn hình HMI kết nối truyền thông với PLC S7–1200 để điều khiển 6 động cơ cho 6 khớp quay của robot và van khí nén để gắp thả vật ở khâu thao tác cuối từ yêu cầu công nghệ là robot gắp sản phẩm trên băng tải vận chuyển vào kho chứa sản phẩm. Trên cơ sở lí thuyết, sử dụng phần mềm MATLAB hỗ trợ giải các bài toán động học robot, hệ thống điều khiển dựa trên kết quả bài toán động học thuận và động học ngược cấp xung điều khiển cho driver điều khiển các động cơ của robot hoạt động theo vị trí và quỹ đạo xác định. Kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả hoạt động ổn định của hệ thống điều khiển robot ALMEGA8, đáp ứng các yêu cầu về chuyển động và độ chính xác phục vụ đào tạo.

4. NGHIÊN CỨU MỘT SỐ CÔNG ĐOẠN ẢNH HƯỞNG ĐẾN HOẠT CHẤT SINH HỌC TRONG CHẾ BIẾN TRÀ TÚI LỌC TỪ LÁ ỔI
  • Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 44
  • Tác giả: Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Thị Mai Hương, Nguyễn Thị Thùy
  • Từ khóa: Trà túi lọc, lá ổi, chè diệt men, hoạt tính sinh học, polyphenol.
  • Tóm tắt

    Lá ổi là nguyên liệu chứa nhiều hoạt chất sinh học có lợi cho sức khỏe. Mục đích của nghiên cứu là chế biến được trà túi lọc từ lá ổi giúp tận dụng nguồn hoạt chất giá trị, tăng thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng đối với sản phẩm đồ uống có lợi cho sức khỏe. Một số thông số công nghệ ảnh hưởng đến chất lượng trong chế biến trà túi lọc từ lá ổi bao gồm điều kiện diệt men, chế độ sấy và lượng trà thích hợp cho một túi là các yếu tố được quan tâm nghiên cứu. Kết quả đã xác định được điều kiện chế biến trà phù hợp là với 0,5 kg nguyên liệu quá trình diệt men sẽ được thực hiện trong thời gian 3 phút ở nhiệt độ 120-150°C, nhiệt độ sấy trà là 85°C trong 90 phút, lượng trà thích hợp cho mỗi túi là 2 g. Trà túi lọc lá ổi thành phẩm sẽ có hàm lượng polyphenol đạt 15,21%CK, khả năng quét gốc tự do DPPH đạt 41,47%, nước pha trà có màu vàng trong, sáng, tương đối sánh, hương thơm đặc trưng, vị chát dễ chịu, hậu vị hài hòa giữa mùi và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo TCVN 7975:2008.

5. ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC YẾU TỐ ĐẾN HOẠT TÍNH ENZYME PROTEASE NỘI SINH TRONG QUÁ TRÌNH SẢN XUẤT NƯỚC MẮM TÔM TỪ PHỤ PHẨM TÔM
  • Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 44
  • Tác giả: Đỗ Thị Yến
  • Từ khóa: Nước mắm tôm, phụ phẩm tôm, enzyme protease, hoạt tính enzyme
  • Tóm tắt

    Phụ phẩm tôm của ngành chế biến tôm được xay nhỏ và trộn với muối và lên men làm nước mắm tôm. Phụ phẩm tôm được nghiền và trộn với muối với các nồng độ (10; 15; 25%), tại các nhiệt độ (30; 37; 43; 50oC) và pH (4; 5; 6) và lên men trong hũ sành có nắp đậy. Với nồng độ muối 25% ức chế vi khuẩn gây thối và hoạt tính enzyme protease ổn định và duy trì sau 4 ngày lên men là 2,91 IU/ml. Nhiệt độ tăng hoạt tính enzyme tăng và ở nhiệt độ 50oC cho hoạt tính cao nhất và pH tối ưu 6,0 là 4 IU/ml sau 48h lên men. Sau 2,5 tháng lên men, nước mắm tôm có hàm lượng nitơ tổng số 10,86 g/l, nitơ amin 7.5 g/l, NH3 là 3,26 g/l, dịch có màu hổ phách, mùi tôm.

6. MỘT PHƯƠNG PHÁP GIẤU TIN THUẬN NGHỊCH VỚI CẶP ẢNH DỰA TRÊN PVO CÓ KHẢ NĂNG NHÚNG CAO
  • Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 44
  • Tác giả: Mai Mạnh Trừng, Phạm Văn Ất, Lê Thị Thu Hiền, Phạm Minh Thái, Ngô Quang Trí
  • Từ khóa: Giấu tin thuật nghịch, phương pháp PVO, ảnh kép, điểm ảnh lớn nhất, điểm ảnh nhỏ nhất.
  • Tóm tắt

    Các phương pháp giấu tin thuận nghịch dựa trên sắp xếp giá trị điểm ảnh (PVO) có nhược điểm là khả năng nhúng không lớn. Do đó, Niu và cộng sự đã đề xuất phương pháp sử dụng PVO để nhúng dữ liệu trong hai ảnh. Phương pháp này chỉ nhúng dữ liệu vào các điểm ảnh lớn nhất và nhỏ nhất, nên dung lượng nhúng cũng bị hạn chế. Hơn nữa, do mỗi điểm ảnh bị sửa đổi tối đa hai đơn vị, chất lượng ảnh giấu tin cũng không cao. Trong bài báo này, chúng tôi đề xuất một phương pháp mới về giấu tin thuận nghịch dựa trên PVO với hai ảnh, với việc dữ liệu được nhúng đồng thời trong vào các điểm ảnh lớn thứ hai và lớn nhất cũng như điểm ảnh nhỏ thứ hai và nhỏ nhất. Từ đó, phương pháp của chúng tôi sẽ tăng đáng kể dung lượng dữ liệu được nhúng. Ngoài ra, trong đề xuất của chúng tôi, mỗi điểm ảnh chỉ được sửa đổi tối đa một đơn vị nên chất lượng ảnh giấu tin cũng tốt hơn.


Banner right

LIÊN KẾT WEBSITE

Banner right Banner right Banner right