1.
|
Tối ưu hóa thông số xử lý nhiệt khi tôi thép Carbon trung bình
- Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 41
- Tác giả: Trần Vũ Lâm
- Từ khóa: Tôi, thép carbon.
-
Tóm tắt
Phương pháp tôi được áp dụng phổ biến nhằm tăng cơ tính của thép sau gia công cơ. Tuy nhiên, hiệu quả của quá trình tôi này phụ thuộc vào một số yếu tố như nhiệt độ tôi, chất làm mát, thời gian giữ nhiệt… cần phải được nghiên cứu để đạt được kết quả tối ưu về độ cứng, độ bền chảy, độ bền đứt. Nghiên cứu này nhằm mục đích tối ưu hóa quy trình cải thiện cơ tính của thép carbon trung bình bằng cách thay đổi một số yếu tố chính như chất làm tôi, nhiệt độ tôi và thời gian giữ nhiệt. Kết quả đo được trong nghiên cứu này là độ cứng, độ bền chảy dẻo và độ bền cực đại giới hạn trước khi bị phá hủy.
|
2.
|
Phương pháp toạ độ với kỹ thuật khai triển hình trên vật liệu dạng tấm mỏng
- Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 41
- Tác giả: Trần Ngọc Hải
- Từ khóa: Giao tuyến vật thể, khai triển hình, chương trình tính.
-
Tóm tắt
Bài báo trình bày phương pháp tọa độ với kỹ thuật khai triển hình trên vật liệu dạng tấm mỏng Theo đó sau khi vẽ giao tuyến các phần kết cấu của vật thể, tác giả thành lập công thức tính tọa độ các điểm Mi(xi,yi) thuộc hình đã khai triển, viết chương trình tính, vẽ biên dạng hình. Tuỳ vào kính thước kết cấu cần khai triển, tăng số điểm M(i) để đạt độ chính xác yêu cầu. Việc tính giá trị tọa độ các điểm Mi(xi,yi), vẽ biên dạng hình khai triển được thực hiện bằng phần mềm toán học MAPLE, rất nhanh và thuận tiện. Kết quả tính là tin cậy, có thể áp dụng vào sản xuất công nghiệp cho những kết cấu cần khai triển có hình dáng tương ứng.
|
3.
|
Nghiên cứu ảnh hưởng của các thông số kết cấu đến dao động của ô tô
- Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 41
- Tác giả: Trần Văn Hoàng, Bùi Ánh Hưng
- Từ khóa: Xe khách, phi tuyến, dao động, mô phỏng.
-
Tóm tắt
Hiện nay các phương pháp mô phỏng số đang được sử dụng rộng rãi để nghiên cứu các cơ hệ, đặc biệt quá trình mô phỏng đã thể hiện được tính ưu việt cao và nó có thể miêu tả được cả các hệ phi tuyến khi áp dụng vào mô phỏng hệ dao động của ô tô. Xuất phát từ những yêu cầu trên, bài báo này sử dụng phần mềm Matlab–Simulink mô phỏng nghiên cứu hệ dao động của ô tô có xét đến các yếu tố phi tuyến từ chọn các thông số kết cấu như: thân xe, giảm chấn và cầu xe để đảm bảo độ êm dịu chuyển động cho xe khách. Bài báo này sẽ làm rõ vấn đề của các kết cấu trên ảnh hưởng đến độ êm dịu của xe chở khách, từ đó lựa chọn được kết cấu phù hợp với từng loại xe khách.
|
4.
|
Nghiên cứu sử dụng phospholipase A1 làm chất xúc tác cho phản ứng thay đổi thành phần axit béo trong phân tử phospholipid
- Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 41
- Tác giả: Vũ Phương Lan
- Từ khóa: Phospholipid, glycerophospholipid, lecithin, phospholipase A1, sắc ký khí.
-
Tóm tắt
Phospholipid biến đổi được tổng hợp bằng phản ứng acidolysis giữa phospholipid từ đậu tương (hay còn gọi là lecithin) và axit linoleic nối đôi liên hợp (CLA) có sử dụng phospholipase A1 làm chất xúc tác. Phản ứng được tiến hành trong 48 giờ và trong điều kiện không và có sử dụng dung môi hữu cơ. Thành phần axit béo của lecithin, lecithin biến đổi và của PC, PE được phân tích bằng sắc ký khí. Kết quả sau 48 giờ phản ứng, CLA liên kết vào phân tử lecithin đạt được cao nhất là 64,27 mol% trong điều kiện không sử dụng dung môi.
|
5.
|
Nghiên cứu tổng hợp vật liệu quang xúc tác Ag@AgCl/MIL-101(Cr) để xử lý thuốc nhuộm RY-145 trong môi trường nước
- Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 41
- Tác giả: Nguyễn Thị Phương Lan, Phạm Thị Thanh Thủy, Trần Thị Tuyết Mai
- Từ khóa: Ag@AgCl/MIL-101(Cr), RY-145, quang xúc tác, thuốc nhuộm.
-
Tóm tắt
Trong nghiên cứu này, vật liệu quang xúc tác Ag@AgCl/MIL-101(Cr) đã được tổng hợp từ hai hợp phần, bao gồm chất mang là khung hữu cơ–kim loại (MIL-101(Cr)) và pha hoạt tính xúc tác Ag@AgCl. Chất mang MIL-101(Cr) được tổng hợp bằng phương pháp dung nhiệt. Vật liệu quang xúc tác Ag@AgCl/MIL-101(Cr) tổng hợp đã được đặc trưng bằng các phương pháp hóa lý khác nhau như nhiễu xạ tia X (XRD), phổ hồng ngoại (FT-IR), hiển vi điện tử quét (SEM), đẳng nhiệt hấp phụ - nhả hấp phụ N2 theo BET và tính chất quang của vật liệu được xác định bằng phổ phản xạ - khuếch tán (UV-Vis DRS). Hoạt tính xúc tác quang của Ag@AgCl/MIL-101(Cr) được sử dụng để xử lý thuốc nhuộm RY-145. Kết quả cho thấy hiệu suất xử lý thuốc nhuộm đạt 96% trong thời gian phản ứng 4 h sử dụng tác nhân oxi hóa H2O2 và hiệu suất đạt 91% khi không sử dụng H2O2 là tác nhân oxi hóa. Quá trình xử lý thuốc nhuộm RY-145 trên xúc tác Ag@AgCl/MIL-101(Cr) tuân theo phương trình động học bậc hai.
|
6.
|
Nghiên cứu tổng hợp vật liệu xúc tác quang CuO/g-C3N4 ứng dụng để xử lý phẩm nhuộm DIRECT FAST SCARLET 4BS (DFS-4BS)
- Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 41
- Tác giả: Nguyễn Minh Việt, Phạm Huỳnh Thanh Trang, Nguyễn Trương Phương Hiền, Nguyễn Hồng Nhung, Nguyễn Minh Phương, Nguyễn Văn Nội, Lê Thanh Hoàng, Chu Thị Thu Hiền
- Từ khóa: CuO, g-C3N4, 7CuO/g-C3N4, phẩm nhuộm Direct Fast Scarlet 4BS, xúc tác quang.
-
Tóm tắt
Hiện nay, trong bối cảnh nguồn nước ngọt đang ngày càng khan hiếm, vấn đề ô nhiễm môi trường nước đang là vấn đề nhức nhối cần được giải quyết. Đứng trước tình trạng đáng báo động này, các nhà khoa học đã và đang nghiên cứu các phương pháp để loại bỏ các chất ô nhiễm ra khỏi nguồn nước, trong đó phương pháp oxy hóa nâng cao sử dụng chất xúc tác quang được áp dụng rộng rãi do có tiềm năng lớn. Trong nghiên cứu này, vật liệu xúc tác quang CuO/g-C3N4 được tổng hợp dễ dàng bằng phương pháp nung từ melamine và thủy nhiệt trong điều kiện nhiệt độ, thời gian được kiểm soát chặt chẽ. Kết quả đặc trưng vật liệu bằng các phương pháp SEM, EDX, FT-IR cho thấy vật liệu CuO/g-C3N4 đã được tổng hợp thành công với năng lượng vùng cấm phù hợp cho quang xúc tác dưới ánh sáng khả kiến (2,6 eV) được xác định bằng phương pháp UV-Vis DRS. Kết quả xử lý thu được cũng cho thấy hiệu suất cao trong việc loại bỏ thuốc nhuộm Direct Fast Scarlet 4BS khỏi nước dưới chiếu xạ ánh sáng khả kiến. Vật liệu 7% CuO/g-C3N4 cho phép xử lý Direct Fast Scarlet 4BS với hiệu suất lên đến 92,8% ở pH = 7 trong 150 phút.
|
7.
|
Nghiên cứu xử lý dư lượng thuốc kháng sinh trong nước thải chế biến tôm bằng vật liệu nano CeO2.nSiO2
- Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 41
- Tác giả: Phạm Thị Thu
- Từ khóa: Nước thải chế biến tôm.
-
Tóm tắt
Thuốc kháng sinh được sử dụng nhiều trong nuôi trồng và chế biến thủy sản, từ đó phát sinh dư lượng thuốc kháng sinh gây ô nhiễm môi trường nước. Ô nhiễm kháng sinh trong nguồn nước là mối hiểm họa nghiêm trọng gây ra hiện tượng kháng thuốc kháng sinh. Bằng phương pháp XRD, IR và SEM đã xác định được kích thước hạt của vật liệu nano CeO2.nSiO2 là 40 nm và có diện tích bề mặt 64,9 m2/gam. Vật liệu này được dùng để xử lý dư lượng thuốc kháng sinh Amoxicillin trong nguồn nước thải chế biến tôm, với hàm lượng 5 mg/ml sau khoảng thời gian 90 phút xử lý đạt hiệu suất 98%. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở khoa học cho việc áp dụng thực tiễn các quá trình công nghệ sản xuất.
|
8.
|
Nâng cao hiệu quả điều khiển robot, sử dụng học tăng cường kết hợp học sâu
- Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 41
- Tác giả: Lương Thị Thảo Hiếu, Phạm Thị Thùy
- Từ khóa: Học tăng cường, học tăng cường sâu, học sâu, điều khiển robot, DQN, VGG16.
-
Tóm tắt
Mặc dù học sâu có thể giải quyết các bài toán mà các thuật toán học máy cũ không giải quyết được nhưng cần lượng dữ liệu rất lớn và trong thực tế dữ liệu không phải lúc nào cũng có sẵn trong bài toán điều khiển. Học tăng cường là một giải pháp tốt trong bài toán điều khiển robot, dữ liệu được tạo ra khi tác tử tương tác với môi trường. Cùng với sự ra đời của mạng neural, nhiều nghiên cứu đã tập trung kết hợp mạng neural vào học tăng cường tạo nên học tăng cường sâu. Trong bài báo này chúng tôi đề xuất mô hình học tăng cường sâu mới dựa trên sự cải tiến thuật giải Deep Q Learning truyền thống bằng cách kết hợp các kỹ thuật: Fixed_Q Target, Double Deep Q, Prioritized Experience Replay, với mô hình mạng VGG16, ứng dụng điều khiển robot xếp hàng hóa với không gian trạng thái tự thiết kế sử dụng Unity ML-Agents. Thực nghiệm, so sánh đánh giá hiệu quả mô hình đề xuất so với mô hình ban đầu, kết quả cho thấy phương pháp đề xuất hội tụ nhanh và khắc phục được hiện tượng ước lượng quá mức giá trị q.
|
9.
|
Đề xuất giải pháp mã kênh có tỉ lệ mã hóa cao cho các gói tin ngắn
- Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 41
- Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phạm Văn Nam
- Từ khóa: Mã kênh, giải mã kênh, mã tích, mã Hamming, giải mã lặp,…
-
Tóm tắt
Khi môi trường vô tuyến phức tạp (xấu) với rất nhiều thiết bị triển khai, giao tiếp truyền dẫn chủ yếu là các gói tin ngắn (50 byte- 70 byte), để đáp ứng thời gian thực, cần sử dụng mã kênh tốt có chiều dài từ mã ngắn với tỉ lệ mã hóa cao. Với mong muốn nâng cao chất lượng đường truyền trong các ứng dụng truyền tin hiện đại, bài báo đã đề xuất một họ mã kênh với tỉ lệ mã hóa cao cùng thuật toán giải mã lặp có độ phức tạp chấp nhận được. Kết quả mô phỏng cho thấy, tại tỉ lệ lỗi bit 10-5, sử dụng mã kênh có chiều dài 445 bít với tỉ lệ mã hóa 0,6427, yêu cầu về tỉ lệ công suất tín hiệu trên tạp âm chỉ cần 3,84 dB. Thuật toán giải mã mới cho độ lợi giải mã từ 0,64 dB đến 0,68 dB với độ phức tạp tương đương so với công bố trước đó, đem đến tính khả dụng trong các hệ thống truyền tin số.
|
10.
|
Tối ưu hóa lợi nhuận cho bài toán người giao hàng lập lịch drone song song
- Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 41
- Tác giả: Đặng Thị Hương Giang
- Từ khóa: SA, SA-ILS, Drone, thuật toán mô phỏng luyện kim, lập lịch.
-
Tóm tắt
Sự gia tăng gần đây trong việc sử dụng phương tiện bay không người lái drone cho việc giao hàng, đã đáp ứng yêu cầu tối ưu hóa sự vận hành của quy trình giao hàng. Chúng tôi xem xét đến bài toán tối ưu hóa Định tuyến Lập lịch Drone Song song xem xét đến lợi nhuận. Trong bài toán này, xe tải giao hàng và đội drones được sử dụng kết hợp. Xe tải chịu trách nhiệm phục vụ khách hàng ở những nơi vượt quá tầm bay của drone hay những khách hàng có gói hàng nặng. Chúng tôi đã nghiên cứu mục tiêu lợi nhuận của quy trình giao hàng và đề xuất dùng phương pháp SA-ILS (Simulated Annealing - Iterated Local Search) giải bài toán người giao hàng lập lịch drone song song nhằm đưa ra lời giải với lợi nhuận tối đa.
|