Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu

Tạp chí KHCN Số 40

Lượt xem: 386
Nguồn đăng : Ban biên tập tạp chí
DANH MỤC BÀI VIẾT
1. NGHIÊN CỨU LỰA CHỌN ĐIỀU KIỆN MÀI ĐỂ GIA CÔNG HỢP KIM TITAN Ti6AL4V
  • Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 40
  • Tác giả: Phạm Vũ Dũng
  • Từ khóa: Mài, Taguchi, độ nhám bề mặt.
  • Tóm tắt

    Hợp kim titan Ti-6Al-4V là vật liệu được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp, tuy nhiên đây cũng là hợp kim khó gia công do tính dính bám cao, trong quá trình mài hợp kim này việc xác định bộ thông số với các điều kiện gia công hợp lý còn gặp khó khăn. Trong bài báo này, phương pháp Taguchi được ứng dụng để xác định điều kiện mài tối ưu theo tiêu chí độ nhám bề mặt nhỏ nhất. Quy hoạch thực nghiệm dựa trên mảng trực giao L9 với các biến vào là vận tốc của đá, độ hạt của đá và kiểu bôi trơn. So sánh giữa các kết quả tính toán và thực nghiệm cho thấy chúng khá phù hợp với nhau, cho phép khẳng định độ tin cậy của mô hình thực nghiệm.

2. NGHIÊN CỨU THỰC NGHIỆM ĐÁNH GIÁ ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC THÔNG SỐ CÔNG NGHỆ TỚI ĐỘ NHÁM BỀ MẶT KHI TIỆN TINH THÉP HỢP KIM 9XC BẰNG DAO TIỆN PHỦ TiN TRÊN MÁY TIỆN CNC
  • Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 40
  • Tác giả: Đỗ Anh Tuấn, Dương Hải Nam
  • Từ khóa: Chế độ cắt hợp lý.
  • Tóm tắt

    Bài báo nghiên cứu xây dựng quy trình lựa chọn bộ thông số chế độ cắt hợp lý bằng phương pháp thống kê thực nghiệm dựa trên các thông số ban đầu của nguyên vật liệu phôi và dao tiện, kết hợp với phương pháp kế thừa để tổng hợp, so sánh và đánh giá nhằm đưa ra được bộ thông số chế độ cắt hợp lý (V, S, t) ảnh hưởng tới độ nhám bề mặt khi tiện tinh thép hợp kim 9XC bằng dao tiện phủ TiN trên máy tiện CNC Roturn 400C.

3. NGHIÊN CỨU MÔ PHỎNG CHUYỂN VỊ VÀ ỨNG SUẤT TRÊN TRỤC CAM KHI LÀM VIỆC ĐỂ KIỂM BỀN SAU THIẾT KẾ ROTURN 400C
  • Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 40
  • Tác giả: Đinh Văn Phương
  • Từ khóa: Kiểm bền, phương pháp phần tử hữu hạn, trục cam, Abaqus.
  • Tóm tắt

    Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu mô phỏng chuyển vị và ứng suất trên trục cam khi làm việc để kiểm nghiệm bền sau thiết kế, trục cam mô phỏng là trục cam của động cơ 1NZ-FE, tác giả sử dụng phương pháp tính toán, mô phỏng bằng phần tử hữu hạn thông qua phần mềm Abaqus. Sau khi xây dựng bản vẽ trục cam, các dữ liệu đầu vào bao gồm: ngoại lực và vật liệu được thiết lập và đưa vào phần mềm. Kết quả thu được bao gồm ứng suất và chuyển vị được so sánh với ứng suất và chuyển vị cho phép để đánh giá và đưa ra kết luận về độ bền. Ngoài ra, kết quả từ nghiên cứu này cũng là cơ sở cho việc kiểm tra bền khi thiết kế nhằm giảm bớt chi phí chế tạo thử các chi tiết. Đồng thời cũng có thể làm tài liệu tham khảo cho các nhà thiết kế, chế tạo các chi tiết trong lĩnh vực cơ khí, đặc biệt là lĩnh vực cơ khí động lực.

4. NGHIÊN CỨU SỬ DỤNG ĐÀI HOA BỤP GIẤM (HIBISCUS SABDARIFFA L.) TRONG CHẾ BIẾN MỨT NHUYỄN THANH LONG RUỘT TRẮNG
  • Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 40
  • Tác giả: Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Thị Thùy, Vũ Thị Thu Hà
  • Từ khóa: Thanh long, đài hoa bụp giấm, anthocyanin, mứt nhuyễn.
  • Tóm tắt

    Nghiên cứu được thực hiện nhằm xây dựng quy trình chế biến mứt nhuyễn thanh long ruột trắng bổ sung siro đài hoa bụp giấm. Chất lượng của sản phẩm như pH, hàm lượng vitamin C, đường khử, độ nhớt… đều bị ảnh hưởng bởi tỉ lệ phối chế siro đài hoa bụp giấm, thanh long, nồng độ pectin và thời gian cô đặc. Độ đặc và hàm lượng anthocyanin đã được tối ưu bằng phương pháp đáp ứng bề mặt (RSM) mô hình thiết kế Box Behnken bậc 2. Kết quả cho thấy, tỉ lệ thanh long ruột trắng và siro đài hoa bụp giấm 85%, nồng độ pectin là 1,25%, thời gian cô đặc 65 phút trong thiết bị Thermomix TM5 thì sản phẩm mứt nhuyễn thanh long có độ đặc là 20,45 g và hàm lượng anthocyanin là 13,63 mg/l với giá trị R2 lớn hơn 95%. Sản phẩm tạo ra có mức chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn sản phẩm đồ hộp mứt nhuyễn quả.

5. NGHIÊN CỨU TỔNG HỢP VẬT LIỆU HYDROGEL DẠNG SỢI TỪ XƠ DỪA NƯỚC
  • Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 40
  • Tác giả: Trương Thị Thủy
  • Từ khóa: Xơ dừa nước, cellulose, hydrogel, quá trình đảo pha, hấp phụ.
  • Tóm tắt

    Trong nghiên cứu này đã chiết tách thành công cellulose từ xơ dừa nước với hiệu suất 26,12%, tổng hợp thành công vật liệu hấp phụ hydrogel dạng sợi từ cellulose với DMAc/LiCl đạt hiệu suất 359%. Vật liệu hydrogel trước và sau khi sấy đều có màu vàng, mềm, tương đối dai và không tan trong nước. Một số tính chất của vật liệu hydrogel dạng sợi được xác định bằng một số phương pháp như SEM, FTIR… Do kích thước là sợi dài, mỏng đã làm tăng diện tích tiếp xúc và dễ dàng thu hồi trong quá trình tham gia xử lý nước thải.

6. KHẢO SÁT KHẢ NĂNG SINH TRƯỞNG VÀ LÊN MEN CỦA HỖN HỢP NẤM MEN SACCHAROMYCES CEREVISIAE VAR. BOULARDII CNCM I-745 VÀ SACCHAROMYCES CEREVISIAE 7012 TRÊN DỊCH THỦY PHÂN
  • Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 40
  • Tác giả: Mai Thị Vân Anh, Đặng Đình Triển, Nguyễn Thanh Hằng
  • Từ khóa: Dịch thủy phân bã đậu nành, phụ phẩm sữa đậu nành, nấm men, lên men.
  • Tóm tắt

    Nghiên cứu này đã khảo sát khả năng sinh trưởng và lên men của hai chủng nấm men Saccharomyces cerevisiae var. boulardii CNCM I-745 và Saccharomyces cerevisiae 7012 khi kết hợp so với sự sinh trưởng và lên men độc lập của từng chủng. Kết quả nghiên cứu nhận được là: hai chủng nấm men có thể đồng thời sinh trưởng và lên men trên môi trường dịch thủy phân bã đậu, tốc độ lên men khi kết hợp chủng nhanh hơn khi lên men độc lập từng chủng; quá trình lên men làm tăng hoạt tính chống oxy hóa so với trước lên men. Việc kết hợp chủng cho thấy nấm men S. boulardii CNCM I-745 không chỉ phát triển tốt trên môi trường dịch thủy phân bã cùng S. cerevisiae 7012 mà mật độ probiotic vẫn duy trì ở mức cao > 7 log CFU/ml trong 6 tuần bảo quản ở 4oC. Quá trình lên men kết hợp cũng làm biến đổi cấu trúc bã nhiều hơn so với trường hợp lên men đơn chủng.

7. NGHIÊN CỨU QUÁ TRÌNH THIẾU KHÍ - HIẾU KHÍ LUÂN PHIÊN ỨNG DỤNG TRONG XỬ LÝ NƯỚC THẢI NUÔI TÔM ĐỘ MẶN THẤP
  • Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 40
  • Tác giả: Nguyễn Văn Tuyến, Chu Xuân Quang, Bùi Thị Thủy Ngân, Nguyễn Tiến Đạt, Đoàn Văn Hưởng, Trần Hùng Thuận, Tưởng Thị Nguyệt Ánh
  • Từ khóa: Độ mặn, đặc tính của bùn, hiệu quả xử lý, hiếu khí – thiếu khí, nước thải nuôi tôm.
  • Tóm tắt

    Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu xử lý nước thải nuôi tôm có độ mặn thấp bằng hệ thống hiếu khí - thiếu khí luân phiên. Nghiên cứu đã đánh giá ảnh hưởng của độ mặn tới hiệu quả xử lý của hệ thống. Tiếp đó, ảnh hưởng của chế độ sục khí và thời gian lưu nước (HRT) tới hiệu quả xử lý của hệ thống cũng đã được khảo sát. Kết quả cho thấy, hiệu quả xử lý của hệ thống chỉ bị ảnh hưởng nhiều khi độ mặn ở mức 1,5%. Hiệu quả giảm COD và xử lý amoni giảm từ 93,85; 98,7% (độ mặn 0%) xuống 45,54; 72,24% (độ mặn 1,5%). Bên cạnh đó, độ mặn làm tăng khả năng lắng của bùn hoạt tính, chỉ số SVI giảm từ 90 ml/g (độ mặn 0%) xuống còn 38 ml/g (độ mặn 1,5%). Đối với các chế độ sục khí khác nhau thì hiệu quả xử lý được ghi nhận có sự khác nhau. Trong đó, chế độ hiếu khí/thiếu khí luận phiên là 60 phút/60 phút đạt hiệu quả xử lý amoni và giảm COD cao nhất, lần lượt đạt 99,81% và 97%. Giá trị HRT tối ưu được lựa chọn cho quá trình xử lý là 8 giờ.

8. RÈN LUYỆN KỸ NĂNG SIÊU NHẬN THỨC CHO SINH VIÊN THÔNG QUA DẠY HỌC TOÁN ỨNG DỤNG
  • Số tạp chí: Tạp chí KHCN Số 40
  • Tác giả: Trần Thị Hoàng Yến
  • Từ khóa: Siêu nhận thức, kỹ năng siêu nhận thức, toán ứng dụng, kỹ thuật dạy học.
  • Tóm tắt

    Bài báo đề cập đến phương pháp dạy học đáp ứng đổi mới tư duy trong nhận thức cho sinh viên. Tác giả đã đưa ra 3 kỹ thuật cốt lõi là: Chuyển đổi ngôn ngữ, Rèn luyện cách đặt câu hỏi và phát hiện, Giải quyết các tình huống sai lầm trong học toán ứng dụng. Thông qua các kỹ thuật dạy học đó, sinh viên được rèn luyện kỹ năng siêu nhận thức. Mỗi kỹ thuật đều có ví dụ cụ thể trong dạy học toán ứng dụng. Bài báo đáp ứng cả về mặt lý thuyết và thực hành. Bài báo góp phần đổi mới và nâng cao hiệu quả giảng dạy và đào tạo cho sinh viên các trường kinh tế, kỹ thuật.


Banner right

LIÊN KẾT WEBSITE

Banner right Banner right Banner right